CẨM NANGDU LỊCH LÝ SƠNKinh nghiệm du lịch Lý SơnTin tức

Review kinh nghiệm du lịch Đảo Lý Sơn tự túc 2023 mới nhất từ A-Z

Cẩm nang du lịch Đảo Lý Sơn tự túc 2023 đầy đủ nhất từ A-Z

Review kinh nghiệm du lịch Đảo Lý Sơn tự túc 2023 mới nhất từ A-Z

 

Thông tin Đảo Lý Sơn – Lịch sử hình thành

Lý Sơn là một huyện đảo thuộc tỉnh Quảng Ngãi, Việt Nam.

Trước đây, Lý Sơn được gọi là Cù lao Ré, theo cách lý giải của dân gian là “cù lao có nhiều cây Ré”. Hòn đảo là vết tích còn lại của một núi lửa với 5 miệng, được hình thành cách đây khoảng 25-30 triệu năm. 5 ngọn núi là nguồn giữ các mạch nước ngầm chính cung cấp nguồn nước cho toàn bộ người dân trên đảo.

Huyện Lý Sơn là huyện đảo được tách ra từ huyện Bình Sơn của tỉnh Quảng Ngãi theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam năm 1992 và trở thành huyện đảo tiền tiêu từ khi đó.

Vị trí của Đảo Lý Sơn ở đâu?

Huyện đảo nằm về phía đông bắc tỉnh Quảng Ngãi, cách đất liền 15 hải lý.

Diện tích của huyện Lý Sơn là 10,39 km², dân số năm 2019 là 22.174 người, mật độ dân số đạt 2.134 người/km². Gồm 2 đảo: đảo Lớn (Lý Sơn, hoặc gọi cù lao Ré), đảo Bé (cù lao Bờ Bãi) ở phía bắc đảo Lớn và hòn Mù Cu ở phía đông của đảo Lớn.

Đơn vị hành chính – Kinh tế – Xã hội

Trước đây, huyện Lý Sơn chia làm 3 xã: An Vĩnh, An Hải (thuộc Đảo Lớn) và An Bình (Đảo Bé).

Hiện nay, huyện Lý Sơn không phân chia thành đơn vị hành chính cấp xã, thay vào đó chính quyền cấp huyện trực tiếp quản lý về mọi mặt.

Người dân trên đảo sống nhờ vào đánh bắt hải sản và trồng trọt: tỏi, hành, ngô, đậu, dưa hấu…. Tuy nhiên, việc khai thác cát ven bờ biển để trồng tỏi và hành đã gây ra những thiệt hại không nhỏ do hiện tượng xâm thực.

Từ tháng 9/2014 ở Lý Sơn đã được kéo cáp ngầm vượt biển cung cấp điện lưới quốc gia cho hai đảo là An Vĩnh và An Hải (đảo Lớn) góp phần nâng cao đời sống của bà con trên đảo, kèm theo các dịch vụ nhà hàng khách sạn, ăn uống phát triển theo, huyện đảo đang hướng tới là một đảo du lịch trong tương lai.

Ngày 22/01/2016, Công ty Điện lực Quảng Ngãi đã chính thức cấp điện cho 116 hộ dân trên đảo An Bình (đảo Bé).

Du lịch Lý Sơn có từ khi nào?

Tỉnh Quảng Ngãi đã khai trương tuyến du lịch “biển đảo Lý Sơn” vào ngày 28 tháng 4 năm 2007. Du khách từ thành phố Quảng Ngãi đi theo quốc lộ 24B về cảng Sa Kỳ, sau đó ra đảo bằng tàu cao tốc và thuê xe máy để đến các di tích trên đảo. Khi lưu trú trên đảo, du khách sẽ được thưởng thức các món hải sản và các đặc sản gỏi tỏi, gỏi cá cơm, rong biển trộn (rau cum cúm), cháo nhum (cầu gai)…

Từ đảo lớn khách du lịch lại có thể đi ghe/tàu nhỏ (trước đây) và cano (bây giờ) sang đảo bé để tắm và bơi tại bãi dừa. Nước biển tại đây trong và sóng lặng.

Trên Đảo Lớn có bốn di tích quốc gia: đình làng An Vĩnh (di tích liên quan đến hải đội Hoàng Sa bên trên), đình làng An Hải, Âm linh tự (nơi thờ cúng oan hồn, cô hồn và phối thờ tử sĩ Hoàng Sa – Trường Sa), Chùa Hang. Các di chỉ văn hóa Sa Huỳnh cũng đã được tìm thấy trên đảo, như suối Chình, xóm Ốc và đặc biệt là các dấu vết của văn hóa Chăm Pa. Và 24 chùa, am.

Ngày 13 tháng 7 năm 2007, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi đã ra quyết định công nhận Tuyến du lịch biển đảo Lý Sơn gồm các điểm du lịch tại huyện Lý Sơn theo các tuyến: Chùa Hang, Đình làng An Hải, Chùa Đục, Miệng núi Lửa, di tích lịch sử Hải đội Hoàng Sa – Trường Sa, Âm linh tự và một số nhà cổ tại huyện Lý Sơn.

Huyện đảo được mệnh danh là “Vương quốc tỏi” vì sản phẩm tỏi có hương vị đặc biệt. Các hàm lượng chất có trong tỏi luôn cao hơn tỏi được trồng ở những nơi khác.

Với lợi thế khung cảnh hoang sơ, chi phí du lịch tiết kiệm, trong những năm gần đây, Lý Sơn luôn là điểm đến được nhiều du khách lựa chọn.

Combo du lịch Đảo Lý Sơn giá rẻ

Du lịch Đảo Lý Sơn đi mùa nào đẹp?

Đảo Lý Sơn phân ra 4 mùa nhưng phân biệt rõ nhất là mùa hè (nắng đẹp) và mùa đông (mùa mưa). Thời điểm đẹp nhất để du lịch Lý Sơn là từ tháng 4 đến tháng 8. Vào khoảng thời gian này thời tiết ổn định, trời ít mưa và có nắng. Song bạn nên tránh đi vào mùa cao điểm đúng dịp Lễ (30/4 – 01/5) để không phải chịu cảnh đông đúc. Tháng 9 đến tháng 12 là mùa mưa, bão và biển động. Từ cuối tháng 12 đến tháng 4 là mùa rêu xanh phủ khắp những bãi đá ven biển Lý Sơn.

Cẩm nang du lịch Đảo Lý Sơn mới nhất
Cẩm nang du lịch Đảo Lý Sơn mới nhất

Lưu ý: Bạn cần theo dõi thời tiết và đặt mua vé tàu trước khi khởi hành để hành trình được thuận lợi!

Di chuyển như thế nào đến Đảo Lý Sơn?

Đầu tiên bạn phải đến cảng Sa Kỳ. Đây là cảng duy nhất để khởi hành ra đảo.

Các chuyến tàu ra đảo thường có vào buổi sáng (07h30, 09h00, 11h), buổi chiều (13h00, 15h00). Tùy vào tình hình nhu cầu khách, cuối tuần, ngày Lễ Tết, mùa cao điểm có thể bổ sung thêm các chuyến 8h00, 11h30, 13h30, 14h00,…

Nếu bạn di chuyển bằng đường hàng không. Vậy sân bay gần nhất đó là sân bay Chu Lai, Quảng Nam cách cảng Sa Kỳ khoảng 45km (01h xe chạy).

Nếu bạn di chuyển bằng tàu hỏa sẽ đến Ga Quảng Ngãi cách cảng Sa Kỳ khoảng 23km (35p xe chạy).

Nếu bạn di chuyển bằng xe khách sẽ đến BX Quảng Ngãi cách cảng Sa Kỳ khoảng 20km (30p xe chạy).

Nếu bạn ở các tỉnh thành gần Quảng Ngãi có thể đi xe nhà về trực tiếp đến cảng Sa Kỳ. Trong cảng có bãi giữ xe qua đêm kể cả xe 45 chỗ.

Phương tiện di chuyển chính từ cảng Sa Kỳ ra đảo là tàu thủy siêu tốc. Ở đây có 4 hãng tàu đưa du khách tới đảo Lý Sơn với giá vé: 203.000 vnđ/vé ra và 185.000 vnđ/vé vào. Bạn nhớ mang theo chứng minh nhân dân hoặc bằng lái xe để mua và đối chiếu soát vé. Thời gian di chuyển từ cảng đến đảo khoảng 35 – 45 phút.

Từ Hà Nội, TP HCM, du khách đặt vé máy bay tới sân bay Chu Lai với giá vé một chiều khoảng 1.200.000 vnđ, thời gian bay 1 tiếng 30 phút. Từ sân bay Chu Lai về cảng Sa Kỳ bạn có thể di chuyển bằng taxi, giá vé một chiều khoảng 200.000 vnđ hoặc đi xe bus dừng chặng tại TP Quảng Ngãi và đi xe trung chuyển Khánh Phi, Tấn Lộc (50.000 vnđ/vé) để tiết kiệm chi phí (sẽ tốn thêm thời gian).

Ngoài ra, du khách có lựa chọn là bay tới Đà Nẵng, từ đây đi taxi hoặc xe dịch vụ đến cảng Sa Kỳ, giá vé 300.000 vnđ/người.

Tour du lịch Đảo Lý Sơn từ Hà Nội & TPHCM

Tour du lịch Lý Sơn từ Tp Quảng Ngãi

Tour Đảo Lý Sơn từ cảng Sa Kỳ

Đặt mua vé tàu đi Lý Sơn như thế nào?

Xem ngay lịch tàu siêu tốc đi Đảo Lý Sơn mới nhất

Đến Đảo Lý Sơn di chuyển bằng phương tiện gì?

Từ cảng Sa kỳ ra đảo, tàu sẽ cập tại cảng Bến Đình hoặc Cảng Lý Sơn cũ ở Đảo Lớn. Từ đây du khách có thể book xe di chuyển để tham quan với kinh phí khoảng 150.000vnđ/xe máy/ngày-bao xăng, 800.000 vnđ/xe 7 chỗ và 1.600.000 vnđ/xe 16 chỗ hoặc xe điện tính theo từng tuyến để tham quan Đảo Lớn.

Tour du lịch Đà Nẵng – Hội An – Lý Sơn 

Bản đồ du lịch Đảo Lý Sơn

Bản đồ du lịch Đảo Lý Sơn
Bản đồ du lịch Đảo Lý Sơn

Cơ sỡ lưu trú ở Đảo Lớn – Lý Sơn có gì?

Ở Đảo Lớn có nhiều nhà nghỉ, khách sạn, homestay, trung bình từ 250.000 – 600.000 đồng một đêm. Với du khách thích nơi nghỉ có phong cách trẻ trung, nên chọn homestay Huy Nguyễn, Bep’s House hoặc nhà nghỉ DHT Hang Câu.

Ngoài ra, du khách có thể tham khảo khu nghỉ dưỡng Lý Sơn Pearl Hotel & Resort có view biển hoặc khách sạn Mường Thanh Lý Sơn chuẩn 4 sao.

Khách sạn Mường Thanh Lý Sơn

Ăn uống trên Đảo Lớn chỗ nào ngon, bổ, rẻ?

Đây là vấn đề luôn được Du khách quan tâm hàng đầu khi đến với Lý Sơn. Một số nhà hàng hải sản uy tín, chế biến ngon và giá phải chăng phải kể đến: Nhà hàng hải sản Đại Hằng, Hòn Ngọc, Khói Chiều, Sơn Thủy,… Tại đây có nhiều loại hải sản tươi sống được trưng bày. Sẽ làm hài lòng cả đối với du khách khó tính và kén ăn.

Món ngon Lý Sơn không thể bỏ qua là gì?

Hải sản và thực phẩm Lý Sơn khá đa dạng và tươi sạch. Một số gợi ý cho bạn lựa chọn món như sau: Tôm Hùm, Tôm Mũ Ni, Cua Đá, Cá Mặt Qủy, Cá Dìa, Cá Tà Ma, Mực Lừa, Gỏi Rong Biển, Tỏi Non Gỏi/Xào, Đậu Ván trộn chua ngọt, nhum biển, ốc Cừ, ốc Đụn, ruột hầu, cá chình, nước sâm rong biển, thạch rau câu, chè rau chân vịt, bánh ít lá gai, dưa hấu Lý Sơn, rượu tỏi, rượu hải sâm…

Đảo Lớn có những điểm du lịch nào hấp dẫn?

Đảo Lớn có diện tích lớn nhất trong các đảo và được tạo thành từ 5 ngọn núi lửa (có thể gọi là Ngũ Hành Sơn). Vì thế nơi đây có nhiều điểm đến lý tưởng và hay ho, cả về mặt lịch sử, tâm linh và thắng cảnh. Có thể kể đến như:

Nhà trưng bày Hải Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải 

Nhà trưng bày nằm trên khuôn viên thoáng đãng có sân rộng, phía trước nổi bật là cụm tượng đài được làm bằng chất liệu đá xanh đứng hiên ngang, sừng sững. Cụm tượng đài cao 4,5m phát họa hình ảnh 3 tráng sĩ, đứng giữa cai đội trưởng mặc quân phục triều đình 1 tay chỉ thẳng ra biển hướng về Hoàng Sa còn tay kia đặt lên cột mốc có khắc dòng chữ “Vạn lý Hoàng Sa”.  Hai bên là hình ảnh 2 người lính thể hiện rõ nhiệm vụ của mình trong chuyến hải trình gian nan, 1 người cầm giáo mặc quân phục triều đình ý chỉ nhiệm vụ bảo vệ bờ cõi của Tổ quốc, 1 người mặc áo chùm vác lướt thể hiện công việc mưu sinh và đánh bắt hải vật trong quá trình làm nhiệm vụ trên biển. Mặt sau của tượng đài có khắc dòng chữ “Bản quốc hải cương Hoàng Sa xứ tối thị hiểm yếu” tạm dịch là Hoàng Sa có vị trí cực kỳ hiểm yếu đối với biên giới của quốc gia, đây được xem là chiếu của vua Minh Mạng ra năm 1936 (năm Minh Mạng thứ 17).

Chùa Hang – Thiên Khổng Thạch Tự

Ngôi chùa hơn 400 tuổi, nằm trong hang đá lớn ở lưng chừng núi ngay gần cổng Tò Vò. Nơi đây thờ Phật và các vị có công khai hoang hòn đảo. Sân chùa lớn được bao quanh bởi hàng cây cổ thụ, nơi đặt tượng Phật Bà Quan Âm nhìn ra biển. Trong chùa là các bệ thờ tạc trên nhũ đá tự nhiên và di tích Chăm Pa. Đoạn đường núi lên chùa cũng là một trong những điểm ngắm cảnh đẹp, với tầm nhìn về cánh đồng tỏi và xóm làng yên bình.

Đỉnh Thới Lới – Cột Cờ

Đây là một trong 5 ngọn núi lửa lớn nhất đã ngưng hoạt động của huyện đảo, với phần mỏm đá nhô ra nhìn xuống biển. Núi có độ cao khoảng 170 m so với mặt nước biển và đỉnh núi là 2 lòng chảo khổng lồ, với 1 hồ nước ngọt cấp nước cho huyện đảo. Ở đây có cột cờ tổ quốc cao 27,4 m, điểm đến yêu thích của nhiều du khách khi tới Lý Sơn.

Cánh đồng Tỏi

Từ đỉnh Thới Lới, bạn cũng có thể trải rộng tầm mắt ngắm nhìn cánh đồng tỏi xanh ngút ngàn. Tỏi cũng chính là đặc sản nổi tiếng ở Lý Sơn, không chỉ làm gia vị mà còn được chế biến thành nhiều món ngon, trong đó có gỏi tỏi, tỏi non xào.

Tỏi thường được trồng từ tháng 9 đến tháng 10 và thu hoạch từ tháng 2 đến tháng 3 năm sau.

Hang Câu

Hang Câu có một bên các vách đá dựng thẳng đứng, một bên bãi biển với bờ cát trắng mịn. Dưới tác động của gió và sóng biển, các vách đá mang hình thù khách biệt, gần bờ là những rạn san hô nhiều màu sắc. Ở Hang Câu, hoạt động gợi ý là lặn ngắm san hô, chèo thuyền kayak.

Ngọn hải đăng (Nhà Đèn)

Ngọn Hải Đăng Lý Sơn được người Pháp xây dựng đưa vào hoạt động từ năm 1898 cho đến nay. Hải đăng thuộc Đảo Lý Sơn, xã Lý Hải, huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Nơi đây được xem là ngọn hải đăng cao nhất Việt Nam, với độ cao lên đến 45m. Đứng trên đỉnh hải đăng bạn có thể thấy được hết toàn bộ hòn đảo. Ngọn Hải Đăng còn là nơi ghi lại những dấu ấn lịch sử của một thời.

Điểm Cơ Sỡ A10 – Đảo Lý Sơn

Ngày 08/10/2016, Cục đo đạc và Bản đồ Việt Nam tổ chức lễ khởi công xây dựng mốc cơ sở và mốc định hướng thuộc Dự án: Xây dựng điểm cơ sở theo đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải trên vùng biển Việt Nam tại vị trí Cột mốc cơ sở Điểm A10 – Đảo Lý Sơn – Quảng Ngãi. Trong 11 điểm chuẩn đường cơ sở để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam (theo luật Biển Việt Nam 1982), đảo Lý Sơn là điểm A10. “Lý Sơn không chỉ là 1 trong 11 cột mốc trên biển mà còn là đơn vị hành chính tiền tiêu của đất nước, có vai trò đảm bảo an ninh chủ quyền quốc gia trên biển

Hòn Mù Cu

Trong những ngày ở Lý Sơn, du khách nên dậy sớm để tới điểm ngắm bình minh đẹp nhất trên quần đảo. Hòn Mù Cu nằm cách trung tâm đảo Lớn khoảng 3 km về phía đông. Do chưa có người ở nên phong cảnh còn rất nguyên sơ, không khí trong lành.

Vào buổi chiều, nơi đây cũng là một điểm lý tưởng để ngắm Hoàng Hôn yên bình trên biển.

Lăng Cá Ông (cá Voi) – Dinh Lăng Tân

Tuy mới xuất hiện trên bản đồ du lịch đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) chưa lâu nhưng Nhà trưng bày bộ xương cá Ông lại thu hút sự quan tâm và tìm đến của đông đảo khách du lịch. Sản phẩm du lịch mới và lạ này đã trở thành điểm tham quan hấp dẫn khi đến với Lý Sơn.

Lăng Cá Ông với 2 bộ xương cá Ông có niên đại từ khoảng 250 – 300 năm tuổi. Chiều dài mỗi bộ xương lần lượt 18m, 22m, cao gần 4m.

Đến với Lý Sơn không chỉ được chiêm ngưỡng bộ xương cá Ông được xem là lớn nhất Việt Nam, du khách còn hiểu hơn văn hóa tín ngưỡng thờ cúng cá Ông của cư dân vạn chài trên đảo.

Âm Linh Tự


Cách cảng Lý Sơn chừng 500 m về phía tây, đây là nơi thờ tự các bậc tiền hiền đã có công khai phá đảo và những người lính Hoàng Sa đã hy sinh năm xưa. Nhiều tài liệu quý liên quan đến đội lính biển, di vật về lịch sử hình thành đảo Lý Sơn cũng được lưu giữ trang trọng tại đây. Hàng năm, đền tổ chức nhiều lễ cúng tế quan trọng, đặc biệt là lễ khao lề thế lính Hoàng Sa vào tháng 3 âm lịch.

Chùa Đục – Đỉnh Liêm Tự

Chùa Đục nằm trên vách núi Giếng Tiền, một trong những ngọn núi lửa đã tắt của huyện đảo. Trước chùa là tượng Phật Bà Quan Âm cao 27 m hướng ra biển, có tên là Quan Âm Đài. Du khách leo hơn 100 bậc theo sườn núi để tới chùa. Từ đỉnh núi Giếng Tiền du khách có thể quan sát được cánh đồng tỏi, ngắm Hoàng Hôn Lý Sơn và cuộc sống mưu sinh người dân Lý Sơn vào mùa con nước nông.

Cổng Tò Vò

Một trong những điểm đến mang tính đặc trưng nhất của đảo Lớn là Cổng Tò Vò – Cổng Mặt Trời. Thực chất, đây là một cổng đá, cao hơn 2 m nằm bên biển được tạo thành từ nham thạch phun trào của núi lửa cách đây 2 triệu năm trước, bị đông cứng khi gặp nước biển đã tạo thành cổng vòm với hình dạng đặc biệt này. Xung quanh là bãi đá nham thạch đen.

Thời điểm đẹp nhất để đến cổng Tò Vò vào hoàng hôn, khi mặt trời dần khuất sau đường chân trời và những tia nắng le lói qua khe đá. Tuy nhiên, cánh cổng thường thu hút đông đúc du khách nên khó để chụp ảnh. Du khách cũng có thể chọn check in vào lúc sáng sớm ít người để tạo cho mình những khung hình đẹp và riêng tư nhất.

Về đêm ở Đảo Lớn có gì chơi?

Đây là câu hỏi được nhiều du khách thắc mắc và muốn tìm hiểu. Sau bữa cơm tối du khách có thể tản bộ dạo mát dọc đường bờ kè quanh đảo, câu cá mực gần bờ, cà phê giải khát – Karaoke, cắm trại, BBQ hát hò bãi biển, soi biển đêm mò cua bắt ốc, lặn đêm và đánh lưới đêm (bơi lội tốt),…

Xong Đảo Lớn vậy đi Đảo Bé thế nào?

Đảo Bé còn có tên là An Bình, Cù Lao Bờ Bãi, diện tích nhỏ nhưng cảnh và nước biển đẹp không thua đảo Lớn. Đảo Lớn cách đảo Bé khoảng 3 hải lý, di chuyển bằng ca nô chỉ mất chừng 10 phút. Để qua đảo Bé, các bạn phải mua vé cano khứ hồi với giá khoảng 130.000 vnđ.

Đến Đảo Bé, phương tiện chính để di chuyển và tham quan quanh đảo là xe điện với giá vé 50.000 vnđ hoặc thuê xe máy với giá 100.000 vnđ.

Đảo Bé có những điểm nào phải ghé qua?

Lộ trình đi vòng quanh đảo: Đầu tiên và bãi trước đảo với bãi cát trắng dài và thiên nhiên nhất => Hòn Đụn, Bãi Dừa, Cầy Tình Yêu => Nhà Chòi => Bãi Hang (Bãi Sau/Bãi Bắc) với bãi cát trắng + bờ nham thạch nhiều màu sắc + làng nước trong xanh (hoạt động không thể bỏ qua: tắm biển lặn ngắm san hô 120.000 – 140.000 vnđ, cá + thuê thuyền SUP 100.000 vnđ để lưu lại những tấm ảnh đẹp) => Bãi Tây, Cây Phong Ba => Nhà Máy Lọc Nước => Làng Bích Họa.

Cơ sỡ lưu trú tại Đảo Bé là gì?

Đảo Bé có diện tích khoảng 0,7 km2, dân số ít và khá hoang sơ nên cơ sỡ lưu trú chỉ tập trung là các Homestay. Các homestay gợi ý cho bạn là:  ALABIN Homestay, Ly Son Bungalow, Gió Biển, Bé Ecolodge. Về đêm du khách có thể thêm trãi nghiệm cắm trại, BBQ hát hò bãi biển.

Lưu ý khi đến với Đảo Bé!!!

Vì đảo có diện tích nhỏ và không có núi cao để giữ mạch nước ngầm, vì thế tất cả nước sinh hoạt và ăn uống một phần phải chuyển từ Đảo Lớn qua, còn lại là từ nhà máy lọc nước biển thành nước ngọt với định mức vừa phải. Người dân còn phải dự trữ từ nước mưa! Tại Đảo không có nhà máy xử lý rác và phải chuyển về Đảo Lớn xử lý. Vì thế tinh thần giữ gìn vệ sinh và sử dụng nước hợp lý là điều rất đáng “Trân Quý”!

Nếu Quý Khách còn thắc mắc và trăn trở khác thì làm sao?

Hãy liên hệ ngay với chúng tôi “những người con của Đảo” để được tư vấn và hỗ trợ tốt nhất!

Hotline tư vấn thân thiện: (Mr. Vũ) 0903.611.247 – 0989.364.519

Kính chúc Quý Khách có chuyến đi Lý Sơn tươi vui nhất!

WELCOME TO LÝ SƠN ISLAND!

Review kinh nghiệm du lịch Đảo Lý Sơn tự túc 2023 mới nhất từ A-Z
5 (100%) 1 vote

Xem tin

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button